
SỰ QUAN TRỌNG CỦA BỘ PHẬN PHÁP CHẾ TRONG DOANH NGHIỆP
Đã rất nhiều doanh nghiệp (thậm chí có cả những doanh nghiệp lớn) bị ảnh hưởng danh tiếng và phải bồi thường khoản tiền không nhỏ do thiếu hiểu biết về pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy, bộ phận pháp chế đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển của doanh nghiệp!
Vì sao Doanh nghiệp cần có bộ phận pháp chế?
Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động của doanh nghiệp nói chung chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đi lên từ mô hình sản xuất với quy mô nhỏ. Một số chủ doanh nghiệp chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà chưa am hiểu hết các quy định pháp luật đang chi phối thị trường nói chung và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, do đó, những rủi ro pháp lý khi gia nhập vào thị trường là rất lớn.
Thêm vào đó, nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường, Chính phủ, các bộ, ban ngành ở Trung ương và địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, để bắt kịp xu hướng thị trường thì hoạt động kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp không chỉ còn dừng lại trong nội bộ địa phương, trong nước mà đã mở rộng ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Cho nên, việc nắm bắt các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế là điều doanh nghiệp cần có để có thể hạn chế, phòng ngừa những thiệt hại có thể xảy ra trong giao kết, tranh chấp các giao dịch dân sự, kinh tế và các giao dịch khác.
Khi vướng vào rủi ro pháp lý thì ít hay nhiều cũng đều gây cho doanh nghiệp nhiều tổn thất và bất lợi. Tổn thất đầu tiên phải nói đến là uy tín, vị thế của doanh nghiệp. Việc gầy dựng được một doanh nghiệp có vị thế, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng là cả một hành trình vất vả, khó khăn, nhưng nếu chỉ vì một chút thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn tới xảy ra các rủi ro pháp lý thì kết quả của hành trình gầy dựng đó có thể “đổ sông, đổ biển”. Thứ hai là tổn thất về tài chính, khi đã vướng vào vấn đề pháp lý thì để giải quyết được vấn đề đó thường phải chi trả tiền để có thể nhờ được đối tượng có thể giúp doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc đó.
Mặc khác, trong những năm trở lại đây, trước bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, đất nước ta đã có nhiều thay đổi, trong đó có rất nhiều văn bản luật, bộ luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được Quốc hội, chính phủ và các bộ ngành ban hành.
Do đó, để có thể vận dụng những quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định pháp luật đang chi phối vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là điều cần thiết để có thể phòng, chống rủi ro pháp lý, giúp người quản lý và doanh nghiệp hoạt động trong hành lang pháp lý an toàn. Và bộ phận có chức năng tham mưu, tư vấn, giúp lãnh đạo doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý, hoạt động kinh doanh… chính là bộ phận pháp chế.
Vai trò của bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp
Pháp chế có vai trò tạo ra các quy định, quy tắc trong nội bộ doanh nghiệp và điều tiết, kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp tuân theo Luật. Luật ở đây bao gồm Luật bên ngoài (tức các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành để quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) và các văn bản quy định, quy chế nội bộ do doanh nghiệp ban hành để quản lý hoạt động nội bộ nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, loại trừ những rủi ro pháp lý trong kinh doanh.
Bộ phận pháp chế sẽ giúp Lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện những công việc sau:
- Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh.
- Thẩm định các dự thảo, thỏa thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư… để đảm bảo không trái quy định pháp luật hay có sơ sở về mặt pháp lý có thể dẫn tới những rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp.
- Soạn thảo, thẩm định các dự thảo quy chế, quy định quản lý và các văn bản quan trọng khác của doanh nghiệp theo sự phân công của lãnh đạo.
- Cập nhật các thông tin về văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật mới hết hiệu lực, về tình hình thị trường kinh tế… để cung cấp thông tin cho lãnh đạo doanh nghiệp nhằm vận dụng vào trong việc điều hành sản xuất, trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong các hợp đồng thương mại, tài chính, tín dụng, dịch vụ…
- Đưa ra các dự báo tác động về tình hình giá cả, thị trường… nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho doanh nghiệp.
- Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, bộ phận pháp chế sẽ tham mưu giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất, ít tốn kém nhất, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp.
- Trong trường hợp các tranh chấp phải ra tòa án thì bộ phận pháp chế có thể tham gia tranh tụng, giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.
- Bộ phận pháp chế không chỉ giúp lãnh đạo doanh nghiệp những vấn đề thuộc phạm vi pháp luật mà còn là đầu mối với các tổ chức tư vấn chuyên môn, tư vấn luật để đảm bảo toàn bộ công ty hoạt động trong hành lang pháp lý an toàn.
Một số doanh nghiệp đã xây dựng một đội ngũ luật sư nội bộ (tức bộ phận pháp chế) để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến vấn đề pháp lý, hợp đồng, hồ sơ, xử lý khủng hoảng… . Nhưng cũng không ít doanh nghiệp tính tới việc thuê luật sư để giải quyết khi gặp vấn đề về pháp lý trong kinh doanh, tuy nhiên, hiệu quả thì không như mong muốn. Bởi lẽ, đa phần mỗi luật sư chỉ mạnh một hoặc một vài mảng (đất đai, dân sự, kinh tế…) và luật sư cũng không phải là người cọ xát với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp nên khi tiếp nhận vấn đề luật sư cần một khoảng thời gian để nghiên cứu.
Mỹ Linh
Dữ liệu Pháp luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới
Hotline: 0929 193 573
Email: Dulieuphapluat@gmail.com
Website: Dulieuphapluat.com