
SẼ BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO QUỐC GIA, NGÀNH, ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO VỀ RỬA TIỀN
Điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây là việc bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền.
Hiểu đúng về rửa tiền
Theo Luật Phòng, Chống rửa tiền, Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
– Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự
– Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có
– Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Nhiều người thường hay nhầm lẫn rửa tiền là việc hợp pháp hóa nguồn gốc của số tiền do phạm tội mà có được. Tuy nhiên, hiểu đúng và đầy đủ thì rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc không chỉ của tiền mà còn của vật, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; vô hình hoặc hữu hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.. do phạm tội mà có được.
Trong công tác phòng chống rửa tiền, Bộ Công an sẽ chủ trì lập Danh sách đen trong đó có danh sách các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ lập Danh sách cảnh báo nhằm cảnh báo các tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền.
Tại Việt Nam hiện nay, ngân hàng, bất động sản và hệ thống chuyển tiền ngầm là 3 lĩnh vực được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức cao, kế đó là lĩnh vực kinh doanh kiều hối, casino, bảo hiểm và chứng khoán được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình.
Nhiều Điều mới được bổ sung trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Liên quan đến khuôn khổ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 năm 2022 tới đây, Dự thảo Luật Phòng Chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Điểm nổi bật trong Dự thảo này là sẽ bổ sung việc đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền.
Việc đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền thuộc nhóm vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác phòng, chống rửa tiền được nêu ra trong Bộ 40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống rửa tiền của Việt Nam đến thời điểm hiện nay lại không có quy định về việc đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền, đồng thời, quy định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo cũng chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý.
Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam được thông qua tại Hội nghị toàn thể của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) vào hồi tháng 3 vừa rồi chỉ rõ, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần của các yêu cầu tại 27/40 Khuyến nghị của FATF. Do đó, việc bổ sung mới một số Điều trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ khắc phục được những hạn chế nội tại trong các quy định pháp luật, đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao hiệu hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam.
Mỹ Linh
Dữ liệu Pháp luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới
Hotline: 0929 193 573
Email: Dulieuphapluat@gmail.com
Website: Dulieuphapluat.com