Điểm c Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trường hợp hai bên ký hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ trường hợp lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149 và khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 Bộ luật này

Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) đã đưa ra quy định mới về việc được phép ký nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn cho những trường hợp sau đây:

  • Giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước
  • Người cao tuổi
  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  • Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diên người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

Được phép ký nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người lao động cao tuổi

Nếu như trước đây, theo Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người sử dụng lao động được kéo dài thời hạn lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám, chữa bệnh (khoản 1 Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động). Nhưng loại hợp đồng nào mà người sử dụng lao động được quyền ký kết với người lao động cao tuổi thì không được Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ, Dẫn đến việc, một số doanh nghiệp thì dựa vào thời hạn giấy khám sức khỏe để ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng (giấy khám sức khỏe có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe (theo điểm a Khoản 3 Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT ký ngày 06/5/2013 hướng dẫn khám sức khỏe)). Nhưng có một số doanh nghiệp thì ký HĐLĐ xác định thời hạn và sau đó ký HĐLĐ không xác định thời hạn.

Trong khi đó, người lao động cao tuổi là đối tượng đặc biệt do khả năng lao động của họ phụ thuộc vào tình hình sức khỏe từng thời điểm. Nhưng nếu doanh nghiệp muốn chấm dứt HĐLĐ với người lao động cao tuổi khi không có nhu cầu hoặc do người lao động không còn đủ sức khỏe thì doanh nghiệp phải thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với người lao động (khoản 2 Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP). Tuy vậy, nếu người lao động không chấp nhận thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ thì người sử dụng lao động sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp người sử dụng lao động ký HĐLĐ không xác định thời hạn.

Do đó, Bộ luật Lao động 2019 đưa người lao động cao tuổi vào những trường hợp được ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn đã giúp doanh nghiệp thống nhất cách hiểu và cách thức giao kết HĐLĐ với người lao động cao tuổi, đồng thời, phù hợp với đặc điểm sức khỏe không ổn định của người lao động cao tuổi.

Ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Theo khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 “Thời hạn của HĐLĐ đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn”

Quy định này đã giải quyết vấn đề mâu thuẫn, bất cập của Bộ luật Lao động 2012, bởi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ có thời hạn tối đa là 02 năm, trong khi đó, theo Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động chỉ được ký HĐLĐ xác định thời hạn tối đa là 02 lần và sau đó phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn.

Do đó, với quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có thể ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, điều này cũng phù hợp với thời hạn của giấy phép lao động.

Lưu ý quan trọng: Phụ lục hợp đồng lao động không được sửa đổi thời hạn của HĐLĐ.

Một số lưu ý về thẩm quyền giao kết HĐLĐ

  • Nếu như theo Bộ luật Lao động 2012, khi tuyển dụng người dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động chỉ cần ký kết HĐLĐ bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người lao động với sự đồng ý của người lao động đó (Khoản 2 Điều 164 Bộ luật Lao động 2012). Thì theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, khi tuyển dụng người chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động cần lưu ý phải giao kết HĐLĐ bằng văn bản có chữ ký của người lao động chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người lao động đó (điểm c Khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019)
  • Thẩm quyền ký HĐLĐ đối với Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc trong doanh nghiệp chưa được Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 2019 quy định. Nhưng theo điểm đ, khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020 thì đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ do Chủ tịch Hội đồng thành viên ký kết. Đối với Công ty cổ phần sẽ do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký (điểm i Khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020)

………..

Dữ Liệu Pháp Luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới

Hotline: 0929 193 573

Email: Dulieuphapluat@gmail.com

Website: Dulieuphapluat.com

Fanpage: Dữ Liệu Pháp Luật

Tham gia group Legal Data Forum để cập nhật các tin tức pháp luật thường ngày bằng cách quét mã QR dưới đây: