
Tại Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC ngày 18/4/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra một số vi phạm phổ biến và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Trong đó chỉ ra một số vi phạm phổ biến trong giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng” như sau:
Phạt vi phạm không đúng.
Trên thực tế, nhiều hợp đồng tín dụng có quy định thêm điều khoản về phạt vi phạm đối với việc quá hạn của hợp đồng ngoài việc chuyển sang nợ quá hạn. Về bản chất, đây là khoản phạt quá hạn (thường bằng 150% lãi suất trong hạn); khi phát sinh tranh chấp, nhiều Tòa án căn cứ thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã công nhận điều khoản này là không đúng.
Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép phạt nhiều lần về cùng vi phạm trong hợp đồng tín dụng. Điều 12 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm có quy định nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Do vậy, nếu các bên đã thỏa thuận về lãi suất quá hạn (thường bằng 150% lãi suất vay trong hạn), mà còn quy định thêm khoản phạt chậm trả hoặc lãi đối với lãi chậm trả là không đúng.
Nhiều hợp đồng tín dụng các bên thỏa thuận về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn nhưng lại còn thỏa thuận về lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất vay trong hạn đối với số tiền lãi chưa thanh toán đúng hạn theo hợp đồng như vậy là lãi chồng lãi, phạt chồng phạt.
Vi phạm về việc không xác định lãi suất theo thỏa thuận và không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng tín dụng.
Một số hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, khách hàng vay chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi, có trường hợp Tòa án tuyên “áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” và không điều chỉnh lãi suất vay theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng tín dụng là không đúng.
Trong trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi nợ quá hạn theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên thỏa thuận việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của tổ chức tín dụng thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của tổ chức tín dụng.
Không xem xét việc thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp
Một số trường hợp vì cho rằng không có ai yêu cầu hoặc vụ án bị hủy để xét xử lại thì Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đây đã xem xét thẩm định tại chỗ nên không xem xét thẩm định tại chỗ, trong khi qua thời gian, tài sản có thể có những biến động như: có sự thay đổi về tài sản trên đất, người quản lý tài sản…
Ví dụ: Công ty K vay 20 tỷ đồng của Ngân hàng C với tài sản bảo đảm là nhà đất đứng tên bà H. Do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Ngân hàng C khởi kiện yêu cầu Công ty K thanh toán tiền và xử lý tài sản thế chấp. Qúa trình giải quyết, tại Bản án phúc thẩm (lần 2) số 43/2017/KDTM-PT ngày 06/3/2017 của TAND cấp cao quyết định (tóm tắt): Trường hợp Công ty K không trả được nợ thì Ngân hàng C có quyền yêu cầu phát mãi nhà đất theo GCNQSDĐ cấp cho bà H để trả nợ cho Công ty K.
Tuy nhiên, thực tế tài sản này không còn của bà H, bởi sau khi bản án phúc thẩm (lần 1), Tòa án phúc thẩm buộc Ngân hàng C phải trả lại cho bà H GCNQSDĐ. Sau đó, bà H đã chuyển nhượng cho bà Th, bà Th tách nhiều thửa đất chuyển nhượng cho nhiều người. Đến khi xét xử phúc thẩm lại lần 2 thì Tòa án lại không xem xét thẩm định tại chỗ để xác định hiện trạng tài sản ai đang quản lý, sử dụng và cũng không xủ lý hậu quả của việc thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, nên đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại phần tài sản thế chấp.
Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được mô tả đúng, đầy đủ hiện trạng tài sản thế chấp, đo vẽ, xác định chính xác cụ thể vị trí tài sản (trường hợp cần thiết phải có bản ảnh để quan sát tài sản trên thực tế), xác định người có quyền đối với tài sản thế chấp hoặc ai đang quản lý, sử dụng tài sản thế chấp và tài sản thế chấp trên thực tế có khác gì so với tài sản thể hiện trên giấy tờ hay không để giải quyết vụ án một cách toàn diện, triệt để.
Tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng
Thực tế xảy ra nhiều trường hợp, trên đất có nhiều loại tài sản mà có tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất được thế chấp, có tài sản thuộc sở hữu của người khác. Khi giải quyết, một số Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần hợp đồng thế chấp, trong khi hợp đồng thế chấp có nội dung và hình thức phù hợp với quy định pháp luật là không đúng.
Khi xem xét đếu hiệu lực của hợp đồng thế chấp, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định mới 02 điều luật (Điều 325 và Điều 326); đồng thời có quy định mới bảo vệ người thứ ba ngay tình (Điều 133), Công văn giải đáp nghiệp vụ số 02/2021/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND tối cao và đã có 03 Án lệ liên quan đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp, đó là: i) Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp; ii) Án lệ số 36/2020/AL về hiệu lực của Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi GCNQSDĐ bị thu hồi, hủy bỏ; iii) Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của Hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán.
Nhìn chung, hợp đồng thế chấp khi được ký kết tự nguyện, được công chứng, chứng thực, tài sản đã được tổ chức tín dụng xem xét, thẩm định và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định, thì không vì những lý do như có tài sản phát sinh trên đất tranh chấp, giao dịch về tài sản trước đó bị vô hiệu để xác định vô hiệu, mà phải công nhận hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng A với bị đơn là Công ty B. Để đảm bảo cho khoản vay được giải ngân 3.066.191.933 đồng, ngày 11/6/2008, ông Trần Duyên H và bà Lưu Thị Minh N đã thế chấp nhà, đất tại tổ 28, phường E, quận G, thành phố H, gồm: diện tích đất ở 147,7m2, diện tích nhà ở 85m2, số tầng: 02+01, HĐTC được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngoài ra, thực tế còn có căn nhà 3,5 tầng do ông Trần Lưu H2 là con ông H và bà N xây dựng năm 2002 nhưng chưa đăng ký sở hữu, không đưa vào HĐTC. Trường hợp này, trên đất của nhiều tài sản gắn liền với đất, trong đó có tài sản thuộc quyền sở hữu của người thế chấp, có tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, mà người thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình. Nội dung và hình thức của HĐTC phù hợp với quy định của pháp luật thì HĐTC có hiệu lực pháp luật. Nhưng quá trình giải quyết, Tòa án cấp phúc thẩm xác định HĐTC vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ (do thế chấp thiếu căn nhà 3,5 tầng) đều không đúng, nên đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại phần TSTC.
Vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng vẫn giải quyết theo tố tụng dân sự
Trong không ít vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” có dấu hiệu hình sự về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Nhưng có Tòa án vẫn giữ lại để xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự là “dân sự hóa hình sự”. Dẫn đến bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Chẳng hạn, hành vi của ông A đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông B, nhưng sau đó lại sử dụng tài sản này để thế chấp vay ngân hàng; hay giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp tín dụng cho những trường hợp vượt quá thẩm quyền gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây là các vụ án có dấu hiệu hình sự. Do đó, đối với những vụ án về tín dụng có dấu hiệu hình sự như: giả mạo giấy tờ, thế chấp nhiều nơi, cho vay không đúng quy trình… thì việc xử lý bằng thủ tục tố tụng dân sự là không bảo đảm, không đúng bản chất và áp dụng không đúng pháp luật, nên cần phải kiên quyết yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Vi phạm do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay
Một số trường hợp khi bên có tài sản thế chấp giới hạn việc thế chấp để đảm bảo khoản vay trong phạm vi hạn mức số tiền vay nhất định. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, Tòa án không xem xét kỹ trường hợp này mà áp dụng theo các hợp đồng thế chấp thông thường không bị giới hạn phạm vi thế chấp tài sản là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Trong trường hợp này, phải xem xét kỹ phạm vi bảo đảm đối với khoản tiền vay trong hợp đồng thế chấp cụ thể và trình bày của đương sự về phạm vi bảo đảm.
Ví dụ được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dẫn ra tại Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC là: vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng TT (nguyên đơn) với công ty MT (bị đơn), người liên quan là hộ bà M và ông T. Ngày 14/6/2011, bà M ủy quyền cho ông T được quyền thế chấp một phần các thửa đất số 81, thửa 531,508, 509, 563 tại phường LĐ, quận TĐ, thành phố H. Tuy nhiên, cùng ngày bà M, ông T còn ký Văn bản thỏa thuận có nội dung bà M chỉ ủy quyền cho ông T thế chấp trong phạm vi giá trị 10 tỷ đồng, song ông T lại thế chấp để bảo lãnh cho Công ty MT vay đến hơn 43 tỷ đồng là vượt quá phạm vi ủy quyền. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm quyết định phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp của bà M là không đúng.
Xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu không đúng.
Có trường hợp, tổ chức, cá nhân dùng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ vay của người khác. Tuy nhiên, một số cơ quan tố tụng lại cho rằng hợp đồng thế chấp đối với tài sản của bên thứ ba vô hiệu do nhận thức rằng thực chất đây là hợp đồng bảo lãnh, do đó các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh chứ không phải hợp đồng thế chấp của bên thứ ba. Nhận thức khác còn cho rằng, việc bảo lãnh không chỉ định tài sản cụ thể làm tài sản bảo đảm, nếu có việc chỉ định này thì giao dịch trở thành giao dịch cầm cố hoặc thế chấp. Nhận thức này là không đúng với các quy định của Bộ luật Dân sự.
Một số tổ chức tín dụng đặt tên là “hợp đồng thế chấp” hoặc hợp đồng chế chấp và bảo lãnh”. “hợp đồng thế chấp của người thứ ba”… đều mang tính hình thức, vấn đề quan trọng là nội dung thỏa thuận và khi có tranh chấp xảy ra.
Theo khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết bên có quyền thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ“. Khoản 3 Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh“. Căn cứ vào các quy định trên thì những thỏa thuận xử lý tài sản của bên thứ ba phù hợp với quy định này vẫn có hiệu lực, không bị vô hiệu.
………..
Dữ Liệu Pháp Luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới
Hotline: 0929 193 573
Email: Dulieuphapluat@gmail.com
Website: Dulieuphapluat.com
Fanpage: Dữ Liệu Pháp Luật
Tham gia group Legal Data Forum để cập nhật các tin tức pháp luật thường ngày bằng cách quét mã QR dưới đây:
Các dạng điều khoản trong hợp đồngĐiều kiện để Hợp đồng có hiệu lực