
Người sử dụng lao động cần lưu ý một vài điểm mới trong nội dung thử việc được quy định tại Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thời hạn thử việc
Bộ luật Lao động 2019 cho phép thử việc đến 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thay vì thời gian thử việc trước đây tối đa chỉ có 60 ngày.
Sự thay đổi này xuất phát từ thực tiễn đối với những vị trí nhân sự cấp cao hoặc những người giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp thì người sử dụng lao động cần một khoảng thời gian đủ dài để đánh giá hiệu quả công việc, mức độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, kết quả sản xuất, kinh doanh dưới sự điều hành của nhân sự này. Trong khi thời gian thử việc như trước đây không đảm bảo cho doanh nghiệp đánh giá đúng năng lực của những nhân sự cấp cao để từ đó xem xét có ký hợp đồng lao động chính thức hay không.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến phạm vi “người quản lý doanh nghiệp” để có cơ sở áp dụng thời hạn thử việc tối đa 180 ngày, cụ thể như:
- Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh khác theo quy định tại Điều lệ công ty”
- Ngoài ra, nếu NSDLĐ muốn áp dụng thời hạn thử việc 180 ngày cho các người quản lý khác ngoài các chức danh nêu trên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, ví dụ như: Giám đốc tài chính, Giám đốc bán hàng, Giám đốc marketing hoặc các chức danh quản lý khác…thì cần quy định rõ các chức danh quản lý này trong Điều lệ của công ty.
Trường hợp không áp dụng thử việc
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thay vì hợp đồng mùa vụ như Bộ luật Lao động 2012. Người sử dụng lao động có quyền thử việc đối với bất kỳ hợp đồng nào có thời hạn trên 01 tháng, theo thời hạn thử việc tối đa được luật quy định, không kể đó là công việc theo mùa hay công việc cố định, liên tục.
Hình thức của thỏa thuận thử việc
Bộ luật Lao động 2019 cho phép người sử dụng lao động và người lao động có thể lựa chọn thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc riêng thay vì chỉ cho phép giao kết hợp đồng thử việc để ghi nhận thỏa thuận về thử việc như Bộ luật Lao động 2012. Như vậy, người sử dụng lao động có thể tháo gỡ một số khó khăn sau
- Giảm thiểu sự phức tạp/công việc giấy tờ cho doanh nghiệp khi phải xây dựng và tiến hành ký kết cả hai loại hợp đồng bao gồm hợp đồng thử việc và và HĐLĐ trong khi phần lớn nội dung của hai loại hợp đồng này là tương tự nhau.
- Giảm thiểu rủi ro cho NSDLĐ đặc biệt khi kết thúc thời hạn thử việc, NSDLĐ đã thông báo kết quả thử việc đạt và đề nghị ký HĐLĐ chính thức nhưng NLĐ không có bất kỳ phản hồi (im lặng) về việc ký HĐLĐ này trong khi đó theo quy định thì NSDLĐ có thể bị xử phạt nếu không giao kết
HĐLĐ khi NLĐ thử việc đạt. - Trước đây, trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận thời gian thử việc vào HĐLĐ trong khi BLLĐ 2012 chỉ công nhận trường hợp thỏa thuận thử việc ghi nhận bằng hợp đồng thử việc. Việc này có thể dẫn đến rủi ro là HĐLĐ có thể được xem như đã được xác lập tại thời điểm giao kết, tức là từ ngày đầu tiên thử việc của NLĐ. Khi đó, NSDLĐ phải tuân thủ các quy định áp dụng cho HĐLĐ, đặc biệt là quy định về các trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng như nghĩa vụ báo trước cho NLĐ mà không được áp dụng quy định về việc chấm dứt thời gian thử việc vì bất kỳ lý do nào và không cần báo trước theo Điều 29.2 của BLLĐ 2012. Hiện nay, với quy định tại Điều 27.1 và 34.13 của BLLĐ 2019 trong trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không phải báo trước và không phải bồi thường.
Từ thay đổi trên, NSDLĐ có thể xem xét quy định thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ. Theo đó, NSDLĐ lưu ý rằng, khi gộp chung nội dung về thử việc vào HĐLĐ, cần quy định rõ nội dung về tiền lương, các phúc lợi, và các quyền và nghĩa vụ trong giai đoạn thử việc nếu có sự khác biệt so với nội dung tương tự trong thời hạn của HĐLĐ.
Các vấn đề NSDLĐ cần lưu ý về thử việc
- Xử lý đối với trường hợp Giám đốc, Tổng Giám đốc thử việc không đạt Trong trường hợp hết thời gian thử việc mà người quản lý doanh nghiệp như Giám đốc, Tổng Giám đốc thuê không đạt yêu cầu thì ngoài việc có thông báo kết quả làm thử không đạt, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục bãi nhiệm Giám đốc, Tổng Giám đốc theo quy định của LDN 2020.
- Kết thúc thời hạn thử việc nhưng người lao động vẫn làm việc. Trước đây trên thực tế, có rất nhiều trường hợp khi kết thúc thời gian thử việc NLĐ vẫn tiếp tục đến nơi làm việc và thực hiện công việc mặc dù NLĐ và NSDLĐ chưa giao kết HĐLĐ chính thức. Tuy không có quy định trực tiếp tại BLLĐ 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng tại Án lệ số 20/2018/AL, trong tình huống này QHLĐ đã được xác lập sau khi thời hạn thử việc kết thúc và hai bên sẽ phải tuân thủ các quy định về thực hiện HĐLĐ, chấm dứt HĐLĐ, đóng các loại bảo hiểm bắt buộc… Tuy Án lệ này áp dụng quy định của BLLĐ 2012 nhưng khi xem xét sự tương đồng giữa các quy định về thử việc của BLLĐ 2012 với BLLĐ 2019, quan điểm này của Tòa án về quan hệ HĐLĐ có thể sẽ duy trì sau khi BLLĐ 2019 có hiệu lực
Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ đúng quy định về thông báo kết quả thử việc và việc giao kết HĐLĐ (nếu trước đó hai bên giao kết hợp đồng thử việc), lưu giữ các tài liệu chứng minh và có hướng xử lý đúng đắn trong trường hợp NLĐ hết thời hạn thử việc nhưng vẫn tiếp tục làm việc dù đã có thông báo kết quả thử việc không đạt hoặc NLĐ không có phản hồi về yêu cầu giao kết HĐLĐ của NSDLĐ. - Thử việc nhiều lần
Cả BLLĐ 2012 và BLLĐ 2019 đều quy định chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.12 Trước đây, có nhiều NSDLĐ mong muốn thử việc NLĐ lần hai hoặc nhiều lần hơn. Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp NLĐ làm đồng thời 02 loại công việc/vị trí khác nhau cho NSDLĐ, thử việc quá một lần đối với cùng một công việc là vi phạm pháp luật lao động và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mỹ Linh
……
Dữ Liệu Pháp Luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới
Hotline: 0929 193 573
Email: Dulieuphapluat@gmail.com
Tham gia group Legal Data Forum để cập nhật các tin tức pháp luật thường ngày bằng cách quét mã QR dưới đây: