
Một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 so với Bộ luật Lao động 2012 là việc đưa điều khoản không được buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động vào trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động là gì?
Theo Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ hợp đồng.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, trả lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Có mấy loại hợp đồng lao động?
Khác với Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Lao động 2019 quy định Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hiện nay có 02 loại sau đây (Theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2019):
- Thứ nhất, HĐLĐ không xác định thời hạn: là những hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
- Thứ hai, HĐLĐ xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 đã không còn loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định dưới 12 tháng. Thay vào đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được xem xét giao kết hoặc là HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc là HĐLĐ có xác định thời hạn (nhưng không quá 36 tháng).
Không được buộc NLĐ thực hiện HĐLĐ để trả nợ cho NSDLĐ
Theo khoản 3, Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 về những hành vi NSDLĐ không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ là: “Không được buộc người sử dụng lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.“
Đây là điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 nhằm bảo đảm phòng chống lao động cưỡng bức đã quy định trong các Công ước lao động quốc tế cơ bản của ILO, phần nào khắc phục được việc NSDLĐ lợi dụng việc đòi trả nợ để “bóc lột” sức lao động của NLĐ.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định NLĐ có quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử; cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Do vậy, khi bên cho vay buộc bên vay phải thực hiện HĐLĐ để bù trừ khoản nợ là đã làm mất đi quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc được pháp luật cho phép.
Ngoài ra, nếu vì để bù trừ khoản nợ mà buộc NLĐ thực hiện HĐLĐ sẽ tạo ra vị thế không công bằng cho NLĐ trong quá trình thỏa thuận công việc, các phúc lợi và các điều khoản khác khi giao kết HĐLĐ, nhiều khả năng NLĐ bị xâm phạm quyền lợi trong quá trình thực hiện HĐLĐ, hạn chế khả năng chấm dứt HĐLĐ trước khi trả hết khoản nợ cho NSDLĐ.
Mỹ Linh
……
Dữ Liệu Pháp Luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới
Hotline: 0929 193 573
Email: Dulieuphapluat@gmail.com
Fanpage: Dữ Liệu Pháp Luật
Tham gia group Legal Data Forum để cập nhật các tin tức pháp luật thường ngày bằng cách quét mã QR dưới đây: