
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự (Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015).
Sự khác nhau giữa hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương là: hành vi pháp lý đơn phương chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể, còn hợp đồng dân sự là sự thể hiện ý chí đa phương (ít nhất là 02 bên chủ thể) thông qua sự thỏa thuận, hay nói cách khác là các bên phải thống nhất ý chí với nhau để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ.
Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ 04 điều kiện:
- Thứ nhất, các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự xác lập.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 19 BLDS 2015).
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Năng lực pháp luật dân sự không bị hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 18 Bộ luật Dân sự 2015)
Xác định tư cách của chủ thể thực chất là xác định ý chí (mong muốn) đích thực của các chủ thể tham gia hợp đồng, nếu hông đảm bảo tư cách chủ thể thì không thể hiện hết yếu tố ý chí tạo nên hợp đồng.
Tùy vào các hợp đồng giao dịch cụ thể mà cá nhân/ pháp nhân tham gia vào hợp đồng có những quy định khác nhau. Cụ thể:
Đối với cá nhân, bởi trong xã hội có nhiều cá nhân khác nhau với những nhận thức về hành vi và hậu quả của hành vi do họ thực hiện cũng sẽ khác nhau. Việc nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân dựa vào ý chí – lý trí – độ tuổi, nghĩa là “khả năng hiểu và làm chủ hành vi của mình”. Như vậy, xem xét tư cách chủ thể của cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định yếu tố ý chí, bởi lẽ bản chất của hợp đồng là sự thống nhất ý chí và bày tỏ ý chí của các chủ thể tham gia. Do đó, Bộ luật Dân sự quy định năng lực hành vi của cá nhân cũng với nhiều mức độ khác nhau tương ứng với mức độ thể hiện mong muốn của họ, cụ thể:
• Đối với người tham từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình nên có thể tự mình xác lập, thực hiện các hợp đồng dân sự.
• Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự (trừ giao dịch liên quan đến động sản, bất động sản phải đăng ký và giao dịch khác phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý)
• Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi, khi xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (trừ giao dịch phục vụ sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi)
• Người chưa đủ 06 tuổi thì do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện
• Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, vì họ không có hoặc chưa có khả năng nhận thức để xác lập hợp đồng, do vậy sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện và ý chí của họ trong hợp đồng cũng chính là ý chí của người đại diện theo pháp luật. Pháp luật quy định người đại diện phải có đủ tư tách mới được đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự trong việc xác lập, thực hiện hợp đồng.
• Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày)
Đối với pháp nhân:
• Pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xác lập, thực hiện hợp đồng thông qua đại diện của pháp nhân. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Nếu là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì người đó phải đáp ứng đủ các điều kiện sau (theo Điều 137 BLDS 2015):
Người đại diên theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140, Điều 141 BLDS 2015.
Mặc khác, theo Điều 138 BLDS 2015, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, có thể thỏa thuận cử cá nhâ, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Ngoài ra, người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện hợp đồng trong phạm vi đại diện theo: quyết định của cơ quan có thẩm quyền; theo điều lệ của pháp nhân; theo nội dung ủy quyền; quy định khác của pháp luật (Khoản 1 Điêu 141 BLDS 2015).
Nếu hợp đồng do người không có thẩm quyền xác lập, thực hiện hoặc do người đại diện xác lập vượt quá thẩm quyền thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ với người được đại diện mà đây chính là trách nhiệm của cá nhân đã xác lập, trừ trường hợp được người đại diện chấp thuận.
Pháp nhân thực hiện hợp đồng trong phạm vi đại diện và tham gia các giao dịch phù hợp với phạm vi hoạt động.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp BLDS, luật khác có quy định khác (Điều 86 BLDS 2015)
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
- Thứ hai, các chủ thể ký kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện
Tự nguyện xác lập, thực hiện hợp đồng là việc chủ thể tự mình quyết định là có tham gia hay không tham gia vào hợp đồng theo nguyện vọng của cá nhân mình, mà không chịu sự chi phối hay sự tác động, can thiệp chủ quan nào từ những người khác.
Muốn xác định các chủ thể có tự nguyện tham gia giao kết hợp đồng hay không cần dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai yếu tổ: ý chí và bày tỏ ý chí. Đây là hai mặt của một vấn đề có quan hệ khăng khít với nhau. Sự tự nguyện hoàn toàn đó chính là sự thống nhất ý chí bên trong và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài, chỉ khi sự biểu lộ ý chí ra bên ngoài phản ánh khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của các chủ thể mới coi là tự nguyện. Nếu thiếu sự tự nguyện thì trái với bản chất của quan hệ hợp đồng.
Về nguyên tắc hợp đồng thiếu sự tự nguyện vô hiệu trong trường hợp sau đây:
Hợp đồng giả tạo là hợp đồng được xác lập nhằm che dấu một hợp đồng khác, lúc này hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng bị vô hiệu theo quy định của BLDS hoặc luật khác có liên quan (Khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015). Trong trường hợp xác lập hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì hợp đồng đó vô hiệu. Ví dụ: Để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, hai bên xác lập hợp đồng mua bán tài sản nhưng thực chất bên chia chỉ giữ hộ tài sản mà không làm phát sinh quyền và nghị vụ theo hợp đồng mua bán (còn gọi là hợp đồng tưởng tượng), lúc này hợp đồng mua bán tài sản vô hiệu.
Hợp đồng được xác lập do nhầm lẫn là trường hợp các bên hình dung sai về chủ thể hoặc nội dung của hợp đồng mà tham gia hợp đồng gây thiệt hại cho mình hoạc cho bên kia. Nhầm lẫn có thể dưới dạng nhầm lẫn chủ thể hoặc nhầm lẫn nội dung của hợp đồng. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn thường do các bên thiếu sự rõ ràng về các điều khoản của hợp đồng hoặc do kém hiểu biết về đối tượng của giao dịch (nhất là đối tượng liên quan kỹ thuật).
Hợp đồng được xác lập do bị lừa dối, đe dọa. Lừa dối là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã xác lập giao dịch đó. Do vậy, khác với nhầm lẫn thì lừa dối do thủ đoạn cố ý của một bên làm cho bên kia cố ý nên thúc đẩy việc xác lập hợp đồng.
Hợp đồng xác lập do bị đe dọa. Đe dọa trong hợp đồng là hành vi cố ý, có ý thức của một bên làm cho bên kia sợ hãi mà phải giao kết, thực hiện hợp đồng nhằm tránh những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của những người thân thích. Các căn cứ để xác định hợp đồng có sự đe dọa bao gồm: có sự sợ hãi (về thể chất hoặc tinh thần); có hành vi cố ý đe dọa của một bên; sự đe dọa là bất hợp pháp.
- Thứ ba, mục đích, nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Đối tượng của hợp đồng không thuộc hàng hóa cấm giao dịch, công việc cấm thực hiện. Bên cạnh đó, nội dung của hợp đồng cần phải cụ thể và có tính khả thi. Những nghĩa vụ trong hợp đồng mà không thể thực hiện được thì hợp đồng cũng không được coi là có hiệu lực pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ.
Việc xác định mục đích, nội dung của hợp đồng có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không thì phải căn cứ vào các quy định cụ thể của pháp luật, ví dụ như hợp đồng mua bán đất là trái pháp luật vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, người sử dụng đất chỉ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không có quyền mua bán đất.
- Thứ tư, trong trường hợp luật có quy định thì hợp đồng phải tuân thủ hình thức mà luật quy định.
Mỹ Linh
……
Dữ Liệu Pháp Luật – Nơi cung cấp tư liệu pháp luật Việt Nam & Thế giới
Hotline: 0929 193 573
Email: Dulieuphapluat@gmail.com
Tham gia group Legal Data Forum để cập nhật các tin tức pháp luật thường ngày bằng cách quét mã QR dưới đây: